Sunday, June 19, 2011

Điệp khúc: "Năm sau cao hơn năm trước"

Tuy chưa có thống kê chính thức từ phía Bộ GD-ĐT, nhưng các con số do các địa phương công bố đã cho thấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm học 2010-2011 là một “kỳ tích” đáng nể.
Điệp khúc: Năm sau cao hơn năm trước
Kết quả kỳ thi THPT năm 2011 rất "đáng nể" về tỉ lệ đậu tốt nghiệp.
Gọi là “kỳ tích” bởi vì, chỉ mới ba năm sau đỉnh cao của phong trào “hai không” (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử) thì năm nay, thành tích học tập của thí sinh cả nước nói chung đã phát triển vượt bậc.
Ở một tỉnh vùng cao như tỉnh Cao Bằng, nếu tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 chỉ 27,78%, thì năm học 2010-2011, tỷ lệ này đã vọt lên 93,73%. Hệ giáo dục thường xuyên kết quả còn cao hơn, đạt 94,18%. Tỉnh Ninh Thuận, năm học 2006-2007 có 68,2% thí sinh đậu tốt nghiệp, thì năm nay con số đó là 91,85%.
Tại Hải Phòng, chánh văn phòng sở Giáo dục-đào tạo Đỗ Văn Lợi cho biết, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nay đạt 99,08%, vượt xa kỳ thi 2007 chỉ đạt 76,9%. Một tỉnh có điều kiện còn khó khăn như tỉnh Kon Tum cũng có tỷ lệ thí sinh đậu cao không kém gì thí sinh Hà Nội, tới 97,31% (Hà Nội là 97,79%) so với năm 2007 chỉ đạt 55,5%. Thậm chí địa phương này còn có tới 8 trường đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 cũng được ghi nhận là kỳ thi có số hội đồng thi đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% nhiều nhất từ trước tới nay.
Nhiều nhà giáo cho biết, họ không tài nào tin được kết quả kỳ thi năm nay lại “ngất ngưỡng” như vậy, dù đó không phải là cái gì quá sức bất ngờ.
Không bất ngờ, vì kết quả trên đã được dự báo từ trước đó.
Ngay sau khi kỳ thi diễn ra, PGS Văn Như Cương đã khẳng khái nhận định gần như chắc chắn, “sẽ có cuộc họp báo của bộ để tổng kết một cuộc thi thắng lợi. Như thường lệ, điệp khúc năm nay tốt hơn năm ngoái sẽ được lặp lại. Nào là rất nghiêm túc, rất trật tự, phao thi không còn rải trắng sân trường; nào là số thí sinh bị kỷ luật giảm mạnh…”. Không cần đến những chi tiết mà báo chí cung cấp để tạo scandal như cái biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh thành tại đồng bằng sông Cửu Long, hay động tác điều chỉnh đáp án chấm thi môn văn vào giờ chót của bộ, với động thái ra đề thi được các nhà giáo đánh giá là thoáng hơn nhiều so với các năm trước, và số thanh tra ủy quyền của bộ bất ngờ giảm mạnh, từ 9.000 người năm 2009 xuống còn 600 năm 2011, rõ ràng nhận định trên của PGS Cương là rất có cơ sở.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Hãn – đại học Quốc gia Hà Nội, hãy khoan đặt câu hỏi liệu kết quả kỳ thi năm nay có phản ánh đúng chất lượng giáo dục, khi hiện tại cái gọi là chất lượng giáo dục THPT của chúng ta vẫn còn rất mơ hồ. Theo ông, việc kết quả kỳ thi tú tài - hay tốt nghiệp THPT hàng năm có tỷ lệ đậu cao là phản ánh đúng thực chất và phù hợp quy luật trong tình trạng nền giáo dục hiện tại của nước nhà.
Cả nước đến giờ phút này đã có trên 400 trường đại học, cao đẳng. Trong số đó, hơn 300 trường đại học và cao đẳng của các địa phương mới được nâng cấp hoặc mới thành lập trong vòng 10 năm qua. Tuy áp lực lên các trường đại học có tên tuổi ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa giảm, nhưng không thể không nhận thấy hiện tượng là một bộ phận lớn thí sinh ở các tỉnh năm 2011 đã chọn cửa dự thi vào các trường đại học tại địa phương mình. Thống kê cho thấy, một số trường đại học địa phương được khá đông thí sinh chọn đăng ký dự thi, như đại học Hải Phòng có khoảng 10.000 hồ sơ của thí sinh Hải Phòng đăng ký dự thi; tại tỉnh Vĩnh Phúc, trường cao đẳng Vĩnh Phúc cũng đứng đầu bảng về lượng hồ sơ với gần 3.000 bộ; đại học Hồng Đức của tỉnh Thanh Hoá hút hơn 10.000 hồ sơ của các thí sinh thuộc tỉnh và lân cận. Số hồ sơ dự thi vào trường đại học An Giang chiếm gần phân nửa thí sinh của địa phương này: 11.000 bộ.
Thậm chí, mang danh là đại học vùng như Đại học Cần Thơ, đến 80% số hồ sơ thí sinh tại Cần Thơ (gần 19.000 bộ) đăng ký dự thi vào đây...
Bất chấp thực tế rất khập khiễng giữa đội ngũ giảng viên, cùng cơ sở vật chất của các nhà trường, nhu cầu đào tạo đội ngũ lao động có bằng cấp tương đương đại học của các địa phương vẫn là một đòi hỏi chính đáng. Và, điều đó cho thấy, thành tích "đáng nể" của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 vừa qua chẳng qua chỉ là kết quả của làn sóng đã bùng nổ trong khoảng mấy năm gần đây và vẫn đang còn tiếp diễn.
Theo NHƯ THUẦN, SGTT ONLINE

No comments:

Post a Comment