Friday, September 30, 2011

Vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long - một cách làm phản văn hóa

tuyensinhvnn xin giới thiệu một góc nhìn khác của cựu nhà báo Trương Duy Nhất về cuộc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long thành "kì quan mới". Bài viết đăng trên truongduynhat.vn:
Vịnh Hạ Long - kì quan mới?

Tôi tâm đắc với bài Vài điều suy nghĩ về cuộc “Bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới” của tác giả Hải Sơn đăng trên Viet-studies.info. Cách bầu chọn chẳng những “không trung thực, không khách quan, như... đang “gian lận” trong cuộc chơi và nặng nề “bệnh háo danh”, mà có gì đó như là một cách làm phản văn hóa.

Có nhiều cách để quảng bá, không nhất thiết cứ phải chui vào các “vườn” di sản với kỳ quan ấy mới hút được sự quan tâm của thiên hạ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái hương tự nhiên mới đáng là di sản, chứ không phải do ta cố sơn phết vào.

Hạ Long đã là di sản, cố khoác thêm cái “kỳ quan mới” cũng không làm nó đẹp hơn, kỳ vĩ hơn. Hãy làm cho Hạ Long đẹp chứ không phải hãy bầu chọn cho nó, mà ngay khi bấm nút bầu xong lại quay ra thản nhiên vứt rác và... tè xuống biển.

Nhân chuyện “kỳ quan mới” của tổ chức New Open World, ngẫm lại các di sản đã được UNESCO công nhận trong thời gian qua không thể không đặt câu hỏi: Liệu có cần nhiều di sản đến thế, tiêu chí cho di sản liệu có quá dễ dãi và mục tiêu thật sự của UNESCO trong việc di sản hóa tràn lan như vậy là gì?

Tôi sinh ra và lớn lên tại quê Gióng, nhưng quả thật đến giờ vẫn không hiểu sao cái gọi là “hội Gióng” kia lại thành di sản, mà là di sản thế giới mới khiếp! Cũng như tôi không hiểu vì sao, di sản gì ở cái “nhã nhạc cung đình Huế” mà thật sự theo tôi chỉ là một thứ nhạc cúng.

Cái gì nhiều quá cũng mất thiêng. Ban đầu khi nghe Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn... thành di sản, tôi cũng thoáng tự hào, mừng vui hồ hởi với cái vui của một... công dân di sản. Nhưng rồi sau này thấy nhiều thứ thành di sản quá, đâm mất hẳn cái cảm hứng háo hức hồ hởi.

Có thể, những suy ngẫm này của tôi sẽ nhận đòn từ các nhà văn hóa. Tuy nhiên, phải nói thật rằng chúng ta đang sa vào quá nhiều những danh hiệu hão, thậm chí cố công đoạt lấy danh hiệu bằng cả các phương cách rất phản văn hóa.

Cả chúng ta, và UNESCO nữa, nên xem ngẫm lại một cách tỉnh táo hơn về những “chiến dịch” di sản vừa rồi. Có thể rồi mỗi năm, chúng ta sẽ còn trống giong cờ mở đón nhận thêm nhiều di sản nữa, nhưng tôi không thích, không chờ mong, thậm chí sợ khi nay mai đất nước này bỗng chốc ra đường gặp di sản!

Trương Duy Nhất

Xem thêm: Có nên bình chọn cho Vịnh Hạ Long nữa không? / Tại sao không nên bình chọn cho Vịnh Hạ Long?

Sunday, September 25, 2011

Tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012

Tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 môn Toán của thầy Bùi Văn Sơn, THPT Huỳnh Thúc Kháng, Lâm Hà, Lâm Đồng.
Gồm phân dạng Toán, ví dụ, bài tập, giúp học sinh nắm được các dạng toán trong dề thi tốt nghiệp THPT 2012. Thích hợp cho học sinh có học lực từ trung bình trở xuống.
Tải về tại đây: Download

Toán học - một dạng nghệ thuật

Cuộc trò chuyện giữa Giáo sư Ngô Bảo Châu (cháu) và GS Hà Huy Khoái (chú) - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam:
GS Hà Huy Khoái cho rằng, để tồn tại, toán học Việt Nam đã qua thời khó khăn nhất; còn để phát triển lên một bước mới, toán học Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ khó khăn nhất.
GS Ngô Bảo Châu và Hà Huy Khoái
Ngô Bảo Châu: Tỉ lệ nhà toán học trên đầu người có lẽ không ở đâu bằng gia đình chú Khoái. Chú Hà Huy Hân là giáo viên toán, chú Hà Huy Vui là một nhà toán học Việt Nam hàng đầu trong chuyên ngành kỳ dị. Thế hệ sau còn có Hà Huy Tài, Hà Minh Lam và Hà Huy Thái. Đây là một điển hình về truyền thống gia đình hay là một sự ngẫu nhiên tai quái?

Hà Huy Khoái: Có thể gia đình chú không có “tỷ lệ trên đầu người làm toán cao nhất Việt Nam” (cũng có một số gia đình tương tự, như gia đình các giáo sư Phan Đình Diệu, Nguyễn Minh Chương,…) Tuy nhiên, chú bỏ qua việc cạnh tranh cái “kỷ lục” này, để trả lời câu hỏi tiếp theo. Đây đúng là một phần của truyền thống gia đình, một phần là kết quả của một sự TẤT NHIÊN tai quái (không phải “ngẫu nhiên”, nhưng vẫn là “tai quái”)! Truyền thống, vì cho đến những đời còn ghi lại được trong gia phả (cũng nhiều thế kỷ rồi), thì hình như các cụ kị của chú chỉ biết mỗi nghề…đi học! Có một số cụ đỗ đạt, nhưng có “làm quan” thì cũng chỉ trông coi việc học, như là Huấn đạo, Đốc học. Thành ra đến đời chú cũng chỉ biết tìm nghề học mà thôi. Vấn đề còn lại chỉ là: học cái gì? Ở phổ thông, chú thích học tất cả các môn: Văn, Toán, Sử, Địa,…, có lẽ chỉ trừ môn Thể dục! Thích nhất là Văn, Sử. Thời đó thì Toán có gì để thích đâu: không học thêm, không sách tham khảo, chỉ có sách giáo khoa thôi, mà hình như giáo khoa thời đó cũng dễ hơn bây giờ. Cho nên Toán chỉ được thích vì dễ! Có thể đó cũng là cái may lớn, vì chưa sợ Toán khi học phổ thông, nên sau này vui vẻ đi theo nghiệp Toán! Còn cái sự tất nhiên tai quái nào dẫn chú đến Toán, mà không phải Văn, thì là vì thời chú học phổ thông cấp 2, 3 (1958-1963) là thời mà sự kiện “nhóm Nhân văn - Giai phẩm” còn ồn ào lắm. Ông cụ thân sinh của chú, là một nhà giáo, khuyên các con theo nghề Toán, vì chắc chắn tránh được những nhóm tương tự! Còn thế hệ tiếp theo (Tài, Lam, Thái) thì có thể là do “quán tính”!

Tuy vậy, nếu bây giờ cho chọn lại, chắc chú vẫn chọn nghề Toán!

Chú đã sống với toán học và khoa học Việt Nam qua những thời kỳ rất khác nhau. Thời kỳ trước thống nhất đất nước, thời kỳ từ 75 đến khi bức tường Berlin sụp đổ, thời kỳ từ 1990 đến nay. Liệu chú có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về những sự biến đổi của khoa học Việt Nam trong từng thời kỳ này không?

Câu hỏi lớn quá, và ngẫu nhiên trùng với một ý định từ lâu của chú là viết một cuốn “Hồi ký toán học”. Nói là “hồi ký” có thể không đúng lắm, nhưng là chú muốn viết về những điều “mắt thấy, tai nghe, đầu nghĩ” của mình về cái giai đoạn đầy biến động đó, mà chú may mắn (có thật là may không?) được chứng kiến. Không hiểu rồi cái “hồi ký” mà chú dự định có thể hoàn thành được không, nhưng nếu cần có câu trả lời (dù nhỏ) cho câu hỏi lớn của cháu, thì chú nghĩ có thể là thế này.

Trong biến động nào cũng có hai phần: tinh thần và vật chất, dĩ nhiên là không độc lập với nhau. Trước 1975, hầu như cả dân tộc Việt Nam sống bằng niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. Niềm tin đó giúp người ta vượt qua mọi khó khăn về vật chất. Khoa học Việt Nam, Toán học Việt Nam cũng không nằm ngoài không khí chung đó. Khổ, nhưng thấy học toán, làm toán là một niềm vui lớn. Đặc biệt, những năm đầu tiên bước vào ngành toán chính là những năm để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời làm toán của chú, khi được cùng GS Lê Văn Thiêm và mấy người đàn anh áp dụng phương pháp nổ mìn định hướng vào việc nạo vét Kênh nhà Lê phục vụ giao thông thời chiến. Trong chiến tranh, hình như con người lại “lãng mạn” hơn trong thời bình. Lãng mạn, vì ít tính toán hơn. Cũng có thể không có gì để tính toán. Mà lãng mạn thực sự là điều cần cho những ai đi vào toán học, vì nghề làm toán lại là nghề khó “tính” trước nhất! Có ai dám chắc mình sẽ được kết quả gì trong tương lai.

Thời kỳ đầu sau 1975 là thời mà toán học Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Rất nhiều người được cử đi học tập ở nước ngoài, kể cả ở các nước phương Tây. Nhưng rồi những thuận lợi đó nhanh chóng qua đi, khi vào khoảng 1985 kinh tế Việt Nam bộc lộ những khủng hoảng trầm trọng của cái thời mà ta gọi là “tập trung, quan liêu, bao cấp”. Không thể sống bằng nghề làm toán với đồng lương ít ỏi, một số phải đi dạy học ở châu Phi, số khác tìm những nghề “tay trái” (nhưng thu nhập hơn nhiều lần “tay phải”), một số khác may mắn hơn thì tìm kiếm được những học bổng để đi nước ngoài. Ngành toán Việt Nam vượt qua được giai đoạn gay go đó trước hết nhờ vẫn còn có những người chịu “sinh nghề, tử nghiệp” với toán, và cả những người “may mắn” nhận được học bổng nước ngoài để sống và tiếp tục làm toán.

Sau 1990, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới. Toán học Việt Nam cũng đứng trước thách thức hoàn toàn mới. Có lẽ lần đầu tiên, những người làm toán ở Việt Nam phải tự đặt câu hỏi: tại sao lại làm toán, mà không làm nghề khác (có thể kiếm nhiều tiền hơn)? Cái thời mà làm việc gì cũng nghèo như nhau, thì ai thích toán cứ làm toán. Bây giờ, thích toán nhưng cần tiền, có làm toán nữa không? Cái chất “lãng mạn” mà toán học rất cần đã không còn, hay là còn rất ít đất sống. Ông Frédéric Pham đã từng đặt câu hỏi “Y-aura-t-il toujours des mathematiciens au Vietnam l’an 2000” (Gazete de mathematiques, vol. 64, pp. 61-63, 1995). Nhưng toán học Việt Nam, năm 2000, vẫn tồn tại qua thời khủng hoảng. Có thể là do kinh tế Việt Nam cũng đã bước qua khủng hoảng. Cũng có thể do những ai đã chọn toán làm nghề nghiệp của mình thì cũng không đòi hỏi quá nhiều về vật chất, nên họ dễ tự bằng lòng với cuộc sống không cần quá nhiều tiền của mình! Có ai đó nói: “Không nên lãng mạn hóa cái nghèo”, đúng lắm, nhưng cũng đừng để cái nghèo giết chết lãng mạn. Không còn lãng mạn sẽ không còn âm nhạc, thơ ca, không còn toán học.

Chú nghĩ như thế nào về tương lai của toán học Việt Nam?

Nếu định chọn con đường khoa học thì nên tự hỏi: có phải cái mà mình mong muốn nhất là tri thức và tự do không?
GS Hà Huy Khoái
Cháu hỏi chú nghĩ gì về tương lai? Để tồn tại, có lẽ toán học Việt Nam đã qua cái thời khó khăn nhất. Còn để phát triển lên một bước mới: chắc vẫn đang ở thời kỳ khó khăn nhất. Xã hội Việt Nam đang trong cái thời kỳ đầu của “kinh tế thị trường”, cái thời mà chuẩn mực của sự “thành đạt” nhiều khi được đo bằng tiền. Mà tiền chính là cái các nhà toán học có ít nhất! Vậy nên, chỉ những người có quan niệm khác về “thành đạt” mới có thể chọn toán làm nghề nghiệp của mình. Về tương lai của toán học Việt Nam, chú trông chờ hai điều: 1/ nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển để đến khi các nhà doanh nghiệp Việt Nam không còn tự hài lòng với việc giàu lên do làm người bán hàng cho nước ngoài, hoặc người bán nguyên liệu của nước mình cho nước ngoài. Đến khi họ không muốn và không thể tiếp tục làm giàu theo cách đó, họ sẽ cần đến khoa học công nghệ. Khi đó, khoa học cơ bản, toán học sẽ có tiếng nói của mình. 2/ các nhà lãnh đạo thấy rõ đầu tư cho khoa học cơ bản - cũng có thể xem là một phần của việc đầu tư cho giáo dục - là việc làm lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, là việc của Nhà nước. Nói cách khác, những nhà lãnh đạo cũng cần phải “lãng mạn”, để nhìn được tương lai xa hơn những lợi ích trước mắt có thể “cân đo đong đếm” dễ dàng.

Cháu cũng thấy thật đáng sợ khi người ta lấy đồng tiền làm thước đo cho mọi thứ. Trong cuộc sống, mình vẫn phải tính toán thiệt hơn, nhưng không thể đem cái tính toán thiệt hơn ra làm nền tảng xã hội. Dù sao thì cháu vẫn tin đến lúc nào đó thì chúng ta sẽ tỉnh lại, vì cái căn của con người Việt Nam vẫn là sự tử tế.

Người làm toán bao giờ cũng gặp mâu thuẫn giữa ý muốn làm được cái gì thật hay với việc phải “sản xuất đều đều công trình” (nhất là khi phải xin tài trợ). Theo cháu làm thế nào để sống yên ổn cùng một lúc với hai ý muốn đó?

Theo cháu, mỗi người làm toán nên giữ riêng cho mình một câu hỏi lớn. Có thể không trả lời được ngay, có thể sẽ không trả lời được trong phạm vi hữu hạn của cuộc sống mình có. Nhưng nó sẽ là một cái đích để mọi việc mình làm trở nên logic chứ không ngẫu nhiên và không bị chi phối bởi những gì ầm ĩ nhất thời. Ngược lại, trong mỗi việc cụ thể mình làm thì lại không nên câu nệ xem đây là bài toán to hay nhỏ, mà bản thân mình thấy hay là được. Có điều mình phải luôn tự nhủ phải trung thực với bản thân. Chú có biết cái câu thơ này của ông Bảo Sinh không :

Tự do là sướng nhất đời
Tự lừa còn sướng bằng mười tự do.

Người làm toán nào cũng ít nhiều thích “nổi tiếng”, nhưng khi quá nổi tiếng (chẳng hạn được Fields) thì hình như sự nổi tiếng lại thành gánh nặng. Cháu có lời khuyên thế nào với các bạn trẻ?

Cháu nghĩ ai cũng cần sự công nhận, sự tôn trọng từ những người khác. Trường hợp ông Perelman là rất ngoại lệ. Còn sự nổi tiếng theo kiểu tài tử xi nê thì thực ra rất là bất tiện. Chỉ có điều trong trường hợp của cháu, mình không có cách nào khác ngoài chấp nhận nó, rồi cố gắng hướng nó vào những việc có ý nghĩa.

Khi tiếp xúc với những nhà toán học nước ngoài, chú có cảm giác nói chung họ biết nhiều hơn (về những thứ “không toán”, hay có thể gọi chung là “văn hóa”) so với những người làm toán ở nước ta. Cháu có thấy thế không? Có thể giải thích thế nào về hiện tượng này, và nó ảnh hưởng thế nào đến chính việc làm toán của “họ” và “ta”?

Mỗi người làm toán nên giữ riêng cho mình một câu hỏi lớn. Có thể không trả lời được ngay, có thể sẽ không trả lời được trong phạm vi hữu hạn của cuộc sống mình có. Nhưng nó sẽ là một cái đích để mọi việc mình làm trở nên logic chứ không ngẫu nhiên và không bị chi phối bởi những gì ầm ĩ nhất thời.
GS Ngô Bảo Châu
Cháu lại thấy các nhà khoa học phương Tây hay thắc mắc làm sao mà người phương Đông, không chỉ riêng các nhà khoa học, ai cũng là triết gia. Có thể là cái phông văn hóa phương Đông và phương Tây rất khác nhau, nên ai cũng thấy người kia biết những thứ mà mình mù tịt. Nhưng đúng là cái phông văn hóa có chi phối hoạt động khoa học. Ở phương Đông cháu thấy người ta thích cái kiểu tầm chương trích cú quá.

Có một cái các nhà khoa học phương Tây, tính cả Ấn Độ, hiểu biết hơn hẳn các nhà khoa học phương Đông, đó là âm nhạc, nói rộng ra là khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Theo cháu cái khả năng này là một phẩm chất không thể thiếu của người làm toán.

Là một người gắn bó với khoa học Việt Nam gần như từ lúc khai sinh, chú Khoái có thể nói một vài lời cho những bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào con đường khoa học không ?

Chú không thích lắm cái chữ “dấn thân”. Nó làm cho người đi vào khoa học có vẻ như ra chiến trường, có vẻ như sẵn sàng hy sinh vì người khác. Thực ra đi vào khoa học cũng không phải “hy sinh” cái gì hết. Ta làm khoa học vì ta thích hiểu biết, thích sáng tạo. Làm khoa học thì được đọc nhiều, tức là được thụ hưởng hơn người khác cái kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Mà đã thụ hưởng thì có nghĩa vụ đền đáp, tức là phải cố gắng góp được cái gì đó, dù nhỏ. Cuộc sống bao giờ cũng sòng phẳng. Nếu mình đã được làm cái mình thích thì cũng không nên đòi hỏi cuộc đời cho lại đầy đủ mọi thứ như người khác. Thích hiểu biết (thực chất cũng là một thứ hưởng thụ) mà lại vẫn mong có rất nhiều tiền; thích tự do làm cái mình muốn mà vẫn mong có nhiều quyền; thích được yên tĩnh để đắm mình vào suy tư riêng mà vẫn mong cái sự nổi tiếng - đó là những mâu thuẫn mà nếu không nhận thức ra thì cứ tưởng mình đang phải hy sinh, đang “dấn thân”! Làm khoa học cũng là một nghề, như mọi nghề khác. Nếu thích giàu thì nên đi buôn, thích quyền thì nên đi làm chính trị, thích hiểu biết, thích tự do thì nên đi vào khoa học. Nghề nào cũng có cái “được” và “mất”. Quan trọng nhất là hiểu cho được mình thực sự cần cái gì. Điều này không dễ, nhất là khi người ta còn trẻ.

Bởi vậy, nếu định chọn con đường khoa học thì nên tự hỏi: có phải cái mà mình mong muốn nhất là tri thức và tự do không?

Trong cuộc đời, ai cũng có thể mắc sai lầm. Theo cháu, bao giờ thì một người cần nhận ra rằng mình đã sai lầm khi chọn nghề Toán, và nên đổi sang nghề khác?

Cháu thấy có nhiều lý do khiến người ta có thể từ bỏ nghề Toán và chọn một nghề khác. Trong trường hợp không nhìn thấy triển vọng nào để nghề Toán tạo cho gia đình mình một cuộc sống tạm gọi là tươm tất, thì Toán không còn là nghề nữa mà là một dạng nghệ thuật để theo đuổi. Để theo đuổi một nghệ thuật thì cần một tình yêu mãnh liệt lắm. Đấy là nghĩa của từ dấn thân mà cháu sử dụng. Nhưng đo độ mãnh liệt của tình yêu thì không dễ.

Để làm toán, người ta chỉ sử dụng một số khá hạn chế khả năng của con người, nhưng lại sử dụng chúng một cách tối đa. Khi nhận ra rằng mình thiếu một số khả năng để làm nàng Toán hoan hỉ, mà lại thừa những khả năng mà nàng ta lờ đi, thì có khi cũng nên tìm một nghề khác với nghề nghiên cứu Toán. Yêu đơn phương lâu dài thì mệt lắm.

Chú Khoái đã có thời gian được làm việc trực tiếp với GS. Lê Văn Thiêm. Chú có chia sẻ những ký ức của chú về GS. Lê Văn Thiêm không? GS Thiêm đã có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp toán học của chú Khoái?
Có hai người thầy ảnh hưởng nhiều nhất đến chú, không chỉ trong khoa học mà cả trong cách nhìn nhận cuộc sống là Giáo sư Lê Văn Thiêm và Giáo sư Manin. GS Lê Văn Thiêm, như chú đã từng viết trong một bài giới thiệu về Ông, “thuộc vào số những con người không lặp lại của lịch sử”. Không lặp lại, vì những người hoàn toàn trong sáng như Ông thường chỉ xuất hiện trong buổi đầu của mỗi giai đoạn lịch sử, khi niềm say mê lý tưởng giúp họ quên đi những toan tính cá nhân. Giáo sư Lê Văn Thiêm trong sáng và ngây thơ đến mức tin rằng mọi người cũng trong sáng như Ông (cả khi lịch sử không còn ở giai đoạn đầu!) Khi Ông là Viện trưởng Viện Toán học, đã nhiều lần vì không đủ thời gian chờ, Ông ký tên vào tờ giấy trắng để sau đó nhân viên điền vào những gì họ cần “xin”. Điều đó không để lại hậu quả nào cho Ông khi làm việc ở Viện, nhưng chú nghe nói trước đó, thời còn là Hiệu phó Đại học Tổng hợp, Ông đã bị một số người lợi dụng sự cả tin như vậy và đưa đến khá nhiều điều phiền toái cho Ông. Vậy mà Ông vẫn không hề “rút kinh nghiệm”. Cho đến tận cuối đời, Ông vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ.
Về khoa học thì chú nghĩ đóng góp tốt nhất của chú là xây dựng “lý thuyết Nevanlinna p-adic”. Chú học được “lý thuyết Nevanlinna” từ GS Lê Văn Thiêm, một trong những người có đóng góp lớn vào lý thuyết đó. Khi đi làm nghiên cứu sinh với Manin, chú học được về “p-adic”. Ghép hai chữ học được ở hai thầy lại thành chữ của mình!

tuyensinhvnn.com và Math.com.vn (Theo Tia sáng)

Saturday, September 24, 2011

Chạy song song hai tên miền tuyensinhvnn.com và math.com.vn


Chúng tôi xin thông báo đến quý độc giả:
Kể từ hôm nay, weblog Toán học Việt Nam sẽ được chạy song song bằng 2 tên miền: tuyensinhvnn.comMATH.COM.VN với 2 giao diện hoàn toàn khác nhau. tuyensinhvnn dùng giao diện mới (V6), còn MATH.COM.VN sẽ giữ lại giao diện thời hoàng kim (V5).
Nội dung mới sẽ được cập nhật đồng thời trên 2 trang web vừa nêu. Tuy nhiên, các comment ở mỗi trang có thể khác nhau.

Thursday, September 22, 2011

Giáo sư Hoàng Tụy được Giải thưởng Constantin Caratheodory

tuyensinhvnn vừa hay tin này trên blog của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Xin trích bài đăng chúc mừng giáo sư Hoàng Tụy của GS Hưng:
Giáo sư Hoàng Tụy được Giải thưởng Constantin Caratheodory cho lĩnh vực Tối ưu toàn cục
Giáo sư Hoàng Tụy
Chúng tôi vừa được tin sáng nay là GS Hoàng Tụy đã được Giải thưởng Constantin Caratheodory. Đây chính là niềm vinh hạnh của giới khoa học Việt Nam, đặc biệt giới Toán học.
Lĩnh vực tối ưu toàn cục ngoài phần lý thuyết có phần ứng dụng có tác động rất lớn đến khoa học kỹ thuật hiện đại.
Riêng ứng dụng lý thuyết tối ưu vào lĩnh vực mô hình mô phỏng sẽ là cơ sở cho biết bao hướng phát triển trong tương lai trước mắt và lâu dài!
Đây thật là một tin vui, xác định chỗ đứng hàng đầu của GS Hoàng Tụy trong một hướng nghiên cứu mà tương sẽ rất là hoàng tráng.
Chúc GS Hoàng Tụy nhiều sức khỏe và tiếp tục là cây đại thụ của nền toán học Việt Nam, là chỗ tựa của trí thức Việt Nam

GS Nguyễn Đăng Hưng,
Sài gòn 22/9/2011

Đôi nét về giải thưởng Caratheodory
Nhà toán học Constantin Caratheodory

Giải thưởng Constantin Caratheodory do Tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục cứ hai năm một lần dành cho cá nhân hay tập thể xuất sắt có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.

Giải có tên nhà toán học lừng danh Constantin Caratheodory người Hy Lạp (1873-1950), đặc biệt vinh danh những cống hiến đã qua được thử thách của thời gian. Tiêu chuẩn bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu mà ảnh hưởng của cống hiến khoa học. Giải “Constantin Caratheodory Prize” vừa được Tổ chức quốc tế Tối ưu Toàn cục, đề xướng năm nay 2011. Việc bầu chọn đã xảy ra tại Hội nghị Tối ưu Toàn cục tổ chức tại CHANIA, Hy Lạp từ ngày 3 đến ngày 7 tháng bảy 2011, vừa qua.

GS Hoàng Tụy người được giải đầu tiên cũng chính là người đã có những công trình căn bản và khai sáng cho lĩnh vực Tối ưu Toàn cục.

Wednesday, September 14, 2011

Lượng giác: Lý thuyết, bài tập có lời giải

Tài liệu gồm hầu hết các vấn đề về lượng giác ở phổ thông: Biến đổi lượng giác, phương trình lượng giác, hệ thức lượng trong tam giác,...
Luong giac toan tap

Trong mỗi phần đều có lý thuyết (công thức, dạng phương trình), bài tập có lời giải chi tiết, bài tập rèn luyện.
Tải file PDF tại đây: Download

Sunday, September 11, 2011

Học được gì qua chuyện "Cô bé lọ lem"?

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện "Cô bé Lọ lem" mà bạn vừa kể?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ lem Cinderella ạ, và cả hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm!
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy!
Cô bé lọ lem
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế?
HS: Vì …vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ!
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ!
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?
HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cản trở Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào
HS: Phải biết yêu chính mình ạ!
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?
HS: Đúng ạ, đúng ạ!
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô bé Lọ lem) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này trong số các em có ai muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
Tất cả học sinh vỗ tay reo hò hoan hô.
Theo Huy Đường