Thursday, August 18, 2011

Bài tập Giải tích dành cho Olympic Toán - Văn Phú Quốc

Tuyển tập 178 trang gồm các bài tập dành cho Olympic Toán SV. Tác giả: Văn Phú Quốc, GV Đại học Quảng Nam: Download.
Ảnh chụp từ một nửa trang của tài liệu
Trong nhiều năm qua, các cuộc thi Olympic toán quốc gia, quốc tế dành cho học sinh, sinh viên đã trở thành một sân chơi trí tuệ nhằm phát hiện và ươm mầm những tài năng toán học tương lai. Qua một thời sinh viên Đại học sư phạm đã từng nhiều lần tham dự các kỳ thi Olympic toán, bản thân tôi đã học tập được những điều thật quý giá về vấn đề rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo thông qua việc giải các bài toán khó. Hơn thế nữa, xuất phát từ nhiều đam mê và yêu thích với lĩnh vực giải tích toán học, tôi luôn có mong muốn tìm tòi, tổng hợp những bài toán có lời giải đẹp và khó trên những tạp chí toán trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở những bài toán sưu tầm được, tôi mở rộng nó theo nhiều hướng khác nhau để được những bài toán mới lạ hơn, hấp dẫn hơn. Nhằm giúp các bạn học sinh , sinh viên đang ôn luyện để chuẩn bị thi Olympic có thêm một tài liệu hỗ trợ cho việc giải toán của mình, tôi xin mạnh dạn viết cuốn sách: Bài tập giải tích dành cho Olympic toán. Mong rằng qua cuốn sách này, các bạn sẽ tìm thấy được niềm vui và những cảm xúc riêng trước những dạng toán, những bài toán hay mà lâu nay trong những giáo trình giải tích căn bản các bạn rất ít gặp. Nội dung cuốn sách này được chia ra làm 7 chương. Từ chương 1 đến chương 5, mỗi chương được chia ra làm 3 phần gồm: Tóm tắt lý thuyết- Các dạng bài tập (có kèm theo lời giải chi tiết)- Bài tập đề nghị. Chương 6 là hệ thống các bài tập tổng hợp- nâng cao cho các chương trên với những định hướng, gợi ý cách giải. Chương 7 là phần giới thiệu các đề thi của Hội Toán học Việt Nam đã ra thi từ năm 1993 đến 2011. Với kinh nghiệm còn non trẻ của một giảng viên trong buổi đầu dạy học, chắc chắn rằng cuốn sách này còn rất nhiều những sai sót, rất mong sự chỉ dạy thêm của quý thầy cô giáo, sự đóng góp của các bạn học sinh-sinh viên yêu thích toán để tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Tải tập tài liệu hữu ích này tại đây: Download.

Tuesday, August 16, 2011

Google kỷ niệm ngày sinh của Fermat với logo ấn tượng

Hôm nay, 17/8, các trang chủ Google đều đồng loạt đăng logo mới vẽ hình chiếc bảng với định lý nổi tiếng trong lịch sử toán học nhằm kỷ niệm 410 năm ngày sinh nhà Toán học vĩ đại Pierre de Fermat (17/08/1601 – 17/08/2011 ).
Logo Google ngày 17/8/2011
Chính Fermat là người sáng lập lý thuyết số hiện đại, trong đó có 2 định lý nổi bật: định lý nhỏ Fermat và định lý lớn Fermat (định lý cuối cùng của Fermat).
Định lý cuối của Fermat là một trong những định lý nổi tiếng trong lịch sử toán học. Định lý này phát biểu như sau:
Không tồn tại các nghiệm nguyên khác không x, y, và z thoả x^n + y^n = z^n trong đó n là một số nguyên lớn hơn 2.
Một con tem về Fermat
Gắn liền với định lý này là câu truyện rất hay, đó là Fermat cho rằng không thể tìm được nghiệm (nguyên) cho phương trình bậc ba. Điều lý thú ở đây là phỏng đoán này được Fermat ghi bên lề một cuốn sách mà không chứng minh, nhưng có kèm theo dòng chữ: “Tôi có một phương pháp rất hay để chứng minh cho trường hợp tổng quát, nhưng không thể viết ra đây vì lề sách quá hẹp.”

Định lý này đã thách thức các nhà toán học gần 4 thế kỷ, và cuối cùng nhà toán học Andrew Wiles (một người Anh, định cư ở Mỹ, sinh 1953) sau 7 năm làm việc trong cô độc và 1 năm giày vò trong cô đơn đã công bố lời giải độc nhất vô nhị vào mùa hè năm 1993 và sửa lại năm 1995, với lời giải dài 200 trang.

Monday, August 8, 2011

Điểm chuẩn các trường Đại học thuộc ĐH Huế năm 2011

Ngày 8/8/2011, Đại học Huế đã công bố điểm trúng tuyển đợt 1 (nguyện vọng 1) và thông báo xét tuyển đợt 2 vào các ngành thuộc Đại học Huế kỳ thi tuyển sinh năm 2011.
diem chuan dai hoc 2011, diem chuan dai hoc hue 2011, dai hoc su pham hue, dai hoc kinh te hue, dai hoc y duoc hue, dai hoc khoa hoc hue, dai hoc ngoai ngu hue
Gồm có điểm chuẩn các trường sau:
1. Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế
2. Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế
3. Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế
4. Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế
5. Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế
6. Đại học Kinh tế - ĐH Huế
7. Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế
8. Khoa Du lịch - ĐH Huế
9. Khoa Giáo dục thể chất - ĐH Huế
10. Khoa Luật - ĐH Huế
11. Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị

Nhìn chung, điểm chuẩn vào ĐH là khá thấp (trừ ĐH Y Dược), chỉ ngang hoặc hơn điểm sàn 0,5 - 2,0 điểm.
Tải về bản PDF để xem điểm chuẩn các trường Đại học thuộc ĐH Huế năm 2011 ở đây: Download (password: tuyensinhvnn.com)

Saturday, August 6, 2011

GS Ngô Bảo Châu giao lưu với CLB Tài năng trẻ FYT

Các vấn đề trao đổi: Toán học thực sự ở đâu trong đời sống; giáo dục Toán học và khoa học nói chung ở Việt Nam; xu thế kết hợp giữa các ngành khoa học; và lời khuyên cho các bạn trẻ về quá trình chọn ngành nghề hay phương pháp học tập, nghiên cứu. Thực tế thì cũng trao đổi được ngần ấy, tuy nhiên dung lượng đọng lại không nhiều, một phần vì anh Châu trả lời ngắn, mà kỳ thực mình cũng thấy chả trả lời dài được =) nhưng thực sự là rất khó tóm tắt ý. Anh có lối trả lời chậm rãi, đặc biệt là từ đầu tiên, nghĩ rất lâu mới bắt đầu nói. Hôm nay hỏi xen kẽ luôn từ đầu chứ không phải dồn về cuối. Bài này chắc chắn vẫn bị thiếu sót về nội dung do thỉnh thoảng người ghi chép làm việc riêng :”> ).

MC Hiếu Đinh: Theo anh thì Toán học là gì?

Anh Châu (AC): Toán học là một loại ngôn ngữ. Quá trình học và nghiên cứu, “làm ra” Toán cũng như quá trình sáng tạo ra 1 ngôn ngữ, với các nhiệm vụ: chỉ rõ các khái niệm, hạn chế các khái niệm, đặt tên cho chúng và tìm ra mối liên hệ giữa chúng. [Hà lúc đấy tự nhiên cười ồ trong óc, đúng thật, khá là thú vị.] Và khi làm 1 bài toán không ra là vì chưa tìm được ngôn ngữ phù hợp.

MC: Anh vừa nói Toán học là 1 ngôn ngữ, đó là danh từ. Vậy nếu dùng 1 tính từ để miêu tả thì anh sẽ dùng từ gì?
AC: Hiệu quả không hợp lý (unreasonable effectiveness). Toán học là một ngôn ngữ do con người nghĩ ra chứ ko phải bị áp đặt nhưng nó là một sản phẩm tuyệt vời đến mức sau này người ta quên nó là do mình nghĩ ra và cho rằng nó có sẵn trong tự nhiên. Ngôn ngữ này được xây dựng từ trong hoàn cảnh rất hẹp nhưng có thể được sử dụng rộng và hiệu quả một cách khó tin. Ví dụ như đạo hàm. Đạo hàm chỉ là một ngôn ngữ lý thuyết do Newton – Lebniz nghĩ ra trong hoàn cảnh liên quan đến vận tốc của chuyển động nhưng bạn có thể thấy hiện nay không có đạo hàm thì không có khoa học. Đó là suy nghĩ của tôi khi dùng từ unreasonable effectiveness như vậy.

MC: Theo anh thì toán học nghiên cứu những gì, mục đích là gì?

AC: Toán học là một bức tranh rất rộng lớn nên khó có thể tóm tắt ngắn gọn. Thực ra đa phần các nhà toán học đều nghiên cứu các vấn đề mang tính nội tại và tôi cũng không nghĩ công trình của tôi nghiên cứu có nhiều áp dụng trực tiếp vào thực tế. Họ nghiên cứu vì vẻ đẹp nội tại của toán học, để thỏa mãn chính bản thân mình. Còn tất nhiên toán học vẫn gắn với thực tế, thực tế luôn là động lực cho các ngành khoa học nhưng có một vấn đề là thường những vấn đề thực tế lại rất khó khiến người ta không thể trả lời được và đôi khi phải cố trả lời phần nào và nói dối rằng đã trả lời được. Các nhà toán học lý thuyết xây dựng lý thuyết của riêng mình, và dù nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của họ, nhưng nó lại chắc chắn đúng và sau đó các lý thuyết này mới được tìm ra và áp dụng vào vấn đề thực tế. Đạo hàm vừa rồi là 1 ví dụ. Đây là một trong số trường hợp, dù không nhiều, lý thuyết đi trước và sau đó giải quyết các vấn đề thực tế. Tôi nghĩ nếu người ta chỉ nhìn vào các vấn đề thực tế và yêu cầu lấy nó làm mục đích, nghiên cứu tìm ra giải pháp thì có lẽ là sẽ không làm được và phải nói dối như tôi đã nói ở trên.
Vì hôm nay nhiều dân toán nên chiếm 1 phần không nhỏ trong trao đổi là về việc làm toán chuyên nghiệp.

Thảo K10 (HCB IMO 2008): Theo anh nếu cảm thấy mình không thực sự xuất sắc thì có nên tiếp tục theo ngành toán? Khi bắt đầu theo ngành toán anh có nghĩ là anh sẽ làm được điều gì đó vĩ đại, được giải Fields… không ạ?
AC: Theo tôi thì, khi nào mà làm toán cảm thấy đó là 1 việc nặng nhọc, mệt mỏi, rất là vất vả thì nên dừng lại.
Lúc đầu thì đương nhiên là tôi không nghĩ gì cả. Không nên đặt ra mục tiêu như vậy vì 1 là dễ không đạt được mục đích, 2 là dễ bị tâm thần. *Cả phòng cười *.

Hiếu Đinh: Em nghe nói là thời gian đầu anh sang Pháp thì cuộc sống của anh có nhiều vất vả, khổ cực. Có bao giờ những toan tính đời thường ảnh hưởng đến việc theo ngành toán của anh không ạ?
AC: Lúc đầu thì không, có vất vả nhưng lúc đó chưa có nhiều mối lo nên thấy cũng đủ sống, có thể lo được. Nhưng sau đó có con cái, phải lo nghĩ nhiều hơn, nên mình cũng bắt đầu phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Nhưng nói chung là tôi cũng không yêu cầu cao lắm nên tôi cũng không bao giờ phải quá vất vả hay lao tâm khổ tứ về chuyện đó.

Ducy Hoàng (HCV IMO 2008) [Bạn Ý có vẻ rất quan tâm đến kỹ năng làm toán và các chi tiết đời thường của anh Châu =)).] Khi đứng trước 1 bài toán mới thì anh xử lý như thế nào?
AC: Thường thì nếu mà mình le lói hướng đi nào đấy trong đầu rồi thì mình sẽ đâm đầu vào ngay. Nhưng nếu mà khi mình không có hướng gì, thì đầu tiên là phải “làm quen” với bài toán, đừng coi bài toán là thù, bài toán là bạn mình. Lân la hỏi thăm “hàng xóm, láng giềng” của nó (những bài toán lân cận), những người đã nghiên cứu vấn đề này hoặc các vấn đề liên quan, đi lại, dò xét kỹ bên ngoài bài toán. Sau đó thì sẽ đến giai đoạn thực sự phải tìm hướng đi và giải nó. Nhiều khi sẽ thấy rất hóc búa và nản, quá trình đó có thể kéo dài đến vài năm không lối ra hoặc đi theo mãi hướng đó mà không được. Nói chung là phải kiên trì.

Tiếp tục là bạn Ducy Hoang: Những lúc stress như thế thì anh làm thế nào ạ? [Không khác gì phỏng vấn =))]
AC: Thì tôi cũng giống người bình thường thôi, đọc sách, nghe nhạc…

Hỏi: Anh có chơi game không ạ?
AC: Không, tôi cũng có thử nhưng trò bấm bấm thế này (anh minh họa) tôi thấy không hợp. *Mọi người lại cười*.

Hỏi: Thế còn cờ vua?
AC: Cờ vua tôi cũng có chơi, nhưng không có hứng thú. Nói chung tôi thấy mình không hứng thú với những trò chơi đối kháng.


Hỏi: Vậy mà em có đọc 1 bài báo thấy anh hay chơi cờ tướng với hàng xóm?

AC: À, có 1 lần. Tôi đứng xem và bình luận 1 câu. Nhưng nhà báo sau đó không phỏng vấn tôi mà lại phỏng vấn ông hàng nước. [=)).]

Hỏi: Thế anh có bao giờ làm 2 bài toán cùng lúc không ạ? Anh đang làm 1 bài toán và có 1 bài toán khác hấp dẫn anh?
AC: Không, tôi không có khả năng làm nhiều việc 1 lúc. Tôi chỉ yêu từng người một thôi, không yêu nhiều người cùng lúc. ).

Đạt K11 (HCB IMO 2008): Trong cuốn sách của mình Hardy, một nhà lý thuyết số, thẳng thắn thừa nhận rằng các công trình của ông chẳng có bất kỳ một ứng dụng nào cả (mặc dù thực tế sau này nó có) và cho rằng chẳng có gì phải xấu hổ về điều đó. Ông đơn thuần tự hào rằng mình đã đóng góp vào kho tàng trí thức nhân loại… Cá nhân anh khi thực hiện nghiên cứu có nghĩ rằng sau này nó sẽ có ứng dụng gì không?
AC: Không, chắc là không. *Phòng cười đoạn này mới to =)*. Nói chung là khi chúng tôi làm chúng tôi quan tâm đến bản thân bài toán đó nhiều hơn.

Đạt: Nhiều người, có cả đại chúng lẫn người làm toán, cho rằng toán phổ thông rất khác với toán hiện đại. Vậy theo anh ranh giới lớn nhất giữa chúng là gì? Nếu có một ranh giới thực sự lớn như vậy, làm sao để sinh viên chúng em, những người cứ coi như là làm tương đối tốt toán phổ thông nhưng chưa biết gì về toán học hiện đại, có thể biết rằng liệu mình là người phù hợp để theo đuổi lĩnh vực này?
AC: Nhìn chung, thì người làm tốt toán phổ thông thì có thể làm tốt toán hiện đại. Ít nhất là tôi thấy vậy. Nhưng có sự khác biệt, đó là nhận thức về vẻ đẹp. Toán phổ thông hay đề cao tính suy luận lắt léo, còn trong toán học hiện đại tính xây dựng được đề cao hơn. Khi bước vào Đại học tôi cũng trải qua một cú sốc khác biệt như vậy. Bài tập tôi vẫn làm được, kết quả thi chấp nhận được (tôi cũng chỉ hay được 7,8/10 thôi chứ không hay được 10/10). Nhưng tôi không thấy đẹp, và không hiểu tại sao lại làm như vậy. Về lý thuyết thì có thể làm tốt nhưng phải vượt qua được cú sốc này.

Đạt: Cũng như GS nói, em cảm thấy có một cú sốc khi bắt đầu tìm hiểu toán học hiện đại. Không chỉ là về năng lực mà còn cả về sự đam mê. Hardy đã viết ý rằng khi nhỏ ông không hẳn có cái gì gọi là đam mê toán học, ông đơn thuần chỉ thấy thích thú khi mình làm rất tốt, chiến thắng các cậu bé khác và cả giáo viên. Chỉ đến sau này khi được một thày giáo hướng dẫn và chỉ cho một cuốn sách, ông mới tìm được cảm hứng thực thụ của mình. Vậy theo GS có cách nào để vượt qua cú sốc này một cách tương đối chủ động không, hay chúng ta vẫn phải chờ đợi một điều tốt đẹp như vậy =)?
AC: Có lẽ cách tốt nhất là chủ động tiếp cận với những người làm toán hiện đại, không dè dặt, để biết được họ đang làm những gì và tìm được người thày tốt cho mình.
Tiếp theo chuyển đến chuyện dạy toán trong giáo dục. Nói chung, được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, đương nhiên là anh cổ vũ cho chuyện phải học theo đam mê, sở thích và khuyến khích các em. Anh lấy VD về chuyện học sinh thi toán quốc tế của Mỹ thì sau này theo toán vẫn khá nhiều, còn số liệu của Trung Quốc thì tỉ lệ là gần như 0%, và đương nhiên là anh nghiêng về cách dạy và luyện thi của Mỹ hơn. Thi quốc tế không nên đặt mục tiêu cao nhất là huy chương, giải thưởng, mà cốt lõi, tột cùng là tăng cường phong trào học toán. Và việc thành lập Viện toán cao cấp là 1 trong những nỗ lực của anh về việc đó.
Để 1 phần giải quyết vấn đề mà Đạt có nêu ra bên trên, rằng có 1 khoảng cách giữa toán phổ thông và toán hiện đại khiến học sinh có thể bị khớp và không tự tin, anh cho rằng nên đưa toán học hiện đại vào phổ thông, nhưng đương nhiên phải có phương pháp phù hợp chứ không phải máy móc là tống vào chương trình học. Toán học hiện đại không thể đi 1 mình được, cần có người hướng dẫn, nếu tự đi sẽ rất dễ bị lạc đường. Có thể có 1 số cách như lập các CLB toán hoặc tổ chức nghiên cứu các đề tài đơn giản thôi, để làm quen, tìm hiểu.
Trả lời câu hỏi về việc theo GS, đâu là mấu chốt để có thể vực dậy việc dạy toán cũng như giáo dục phổ thông hiện nay, GS cho rằng đó là tính chủ động, sự chủ động của tất cả các thành phần: giáo viên, học sinh, phụ huynh… Cũng giống như khoán 10 thành công vì mỗi người, mỗi đơn vị tự lo vậy, giáo dục cũng cần sự chủ động như thế. Chờ đợi cơ chế thì rất lâu, mà từ trên áp xuống 1 cách làm cho tất cả thì lại khó, chi bằng mỗi nơi tự chủ động tìm ra phương pháp và có trách nhiệm hơn với việc mình làm.
NBC and FYT. Ảnh: Lê Việt Hà

Mảng cuối cùng là các câu hỏi khác không liên quan đến toán.

Anh Thành (Khách mời – cựu hs chuyên Toán SP, bằng tuổi anh Châu, nói chung có biết nhau hồi xưa, giám đốc Vinapo): Tôi thấy hiện nay chưa có 1 thống kê nào về số lượng học sinh thi quốc tế hiện đang làm gì, ở đâu, tôi thấy các bạn khá rời rạc trong liên kết.
AC: Theo tôi điều cốt lõi không phải là lập ra 1 cái danh bạ mà là phải tạo ra 1 việc gì đó để làm cùng nhau. Và Viện toán cũng là 1 trong số những việc mà tôi cố gắng tạo ra để phục vụ 1 phần cho điều đó. [Hiện có vẻ như 2 dự án mà anh Châu dành nhiều tâm huyết nhất với sức ảnh hưởng của mình để cống hiến cho nước nhà, cụ thể là toán học, khoa học VN đó là Viện Toán cao cấp và Quỹ NCKH.]

Anh Vinh K11: Nói thật với anh là em có gặp mấy anh PhD và Postdoc… và em thấy có 1 điểm chung là các anh ấy đều khá lập dị và… chưa có vợ. Vậy anh có thể cho em biết ý kiến của anh về vai trò của việc lập gia đình sớm đối với sự phát triển sự nghiệp? [=))))]
AC: (Cười). Một số người yêu toán quá dồn toàn bộ suy nghĩ của mình vào toán học. Họ chỉ dùng lập luận, coi cả cuộc sống là đối tượng toán học mà bỏ qua khả năng quan sát. Trong khi toán học cũng là một phần của cuộc sống, nhưng không phải tất cả. Phụ nữ không phải đối tượng của toán học (cười). Tôi chỉ cho rằng nên biết cân bằng cuộc sống, vậy thôi. Còn điều này cũng phụ thuộc vào tính cách và khả năng của mỗi người, tôi không có bình luận gì về chuyện lấy vợ sớm hay muộn cả.

Hỏi: Gần đây có 1 bác trí thức lớn tuổi đến nói chuyện với FYT và theo bác quan niệm thì trí thức ngoài công việc chuyên môn của mình thì cần có thái độ chính trị rõ ràng và có khả năng định hướng dư luận xã hội. Anh nghĩ thế nào về điều này? Và đặc biệt là khi blog thichhoctoan của anh đang đóng cửa?
AC: Tôi cho rằng trí thức trước hết là những người làm tốt công việc chuyên môn, làm tốt thiên thức của mình. Nên tôi không đồng ý với ý kiến như vậy. Theo tôi điều đó là tùy mỗi người thôi mặc dù tôi thì tôi cũng có thái độ chính trị của riêng mình. Blog của tôi đang tạm ngưng đóng cửa mà thôi. Sở dĩ như vậy không phải vì có thế lực chính trị nào đó như người ta nghĩ mà quan trọng là tôi không hài lòng với những gì tôi đã viết. Nó hơi bông đùa, lúc đầu viết ra cũng khoái chí lắm [:))], nhưng sau cái bông đùa đấy nó thành nặng nề, không hay nữa. Và tôi thấy cần phải thay đổi cách viết, cách truyền đạt. Và vì vậy phải làm lại tất cả từ đầu.

Hỏi: Vì sao thay đổi ạ?
AC: Vì vị trí xã hội thay đổi.

Hỏi: Thế sẽ theo hướng nào ạ, bông đùa hơn hay là … ))?
AC: À, tất nhiên là theo hướng nghiêm túc hơn :d.

Anh Hiếu Cao K10: Trong phim Spiderman có 1 câu là “Sức mạnh lớn, trách nhiệm lớn”, anh nghĩ thế nào về điều này?
AC: Cái đấy là về sự lựa chọn. Quả thực là cách đây 2 năm, tôi không bao giờ nghĩ là mình có thể làm những việc như bây giờ mình đang làm, xây dựng Viện hay quỹ… Nhưng giờ thì tôi có điều kiện làm những việc đấy, và là do tôi lựa chọn như thế. Ngoài ra thì khi lựa chọn, mình cũng phải đặt ra những giới hạn cho sự lựa chọn đó. Tôi tâm huyết với việc gây dựng Viện nhưng chắc chắn cũng sẽ có những việc mà tôi không làm nếu chỉ để gây dựng Viện, ví dụ như vậy.

Chị Minh K9: Thưa GS, người ta hay nói là học sinh trường chuyên hay đần *Đùa chứ, cả phòng phọt cười =))).*. Em muốn hỏi là ở tuổi bọn em bây giờ thì GS như thế nào [=)))] và GS học về cuộc sống từ đâu và theo GS thì làm thế nào để phát triển toàn diện học sinh trường chuyên? [Phát hiện ra chị Minh rất có khiếu làm mọi người cười =)))).]
AC: Em yên tâm 1 điều là ở tuổi em tôi cũng ngây thơ như các em bây giờ thôi. [=).] Hồi xưa tôi phản ứng rất chậm, bây giờ đỡ chậm hơn ). Điều đó cần một quá trình rèn luyện.
Học sinh chuyên ở mình thì thường dành nhiều thời gian học tập, ít có kỹ năng giao tiếp xã hội. Theo tôi thì cho các em tham gia thêm hoạt động. Người Việt mình khá kém trong chuyện tạo ra niềm vui cho nhau. Ví dụ học sinh bây giờ gặp nhau chơi game được cả ngày, chính việc chơi game này chứng tỏ việc không tổ chức được những hoạt động khác để chơi. Chơi game thì rất dễ, chỉ cần vài cái máy tính nối với nhau là chơi được. Trong khi có những hoạt động khác đòi hỏi khả năng tổ chức nhiều hơn. Con người cần chủ yếu trau dồi 3 thứ: suy nghĩ; khả năng giao tiếp, khó nhất là đặt mình vào địa vị người khác để hiểu họ và cuối cùng là diễn đạt ý tưởng của mình. Nói chung là tôi thấy chơi game chẳng giúp ích gì trong những việc đó cả. Các em nên tự tạo niềm vui nhiều hơn.
Ngoài ra thì còn 1 số câu hỏi nữa có tầm vĩ mô như toán học đang đi về đâu, 1 số có tầm siêu hình như mối quan hệ toán học và triết học và nhận thức =), 1 số về Đàm Thanh Sơn hay lịch làm việc của GS :-j, nhưng nhìn chung là hôm nay tán gẫu với anh Châu là chính )). Có 1 vài ý Hà cho là quan trọng và có giá trị nhất thì Hà đã bôi đen ở trên. Những bài học làm người, bài học thành công anh đưa lại có lẽ không có gì mới, nhưng có 1 sự thú vị khi chúng được truyền đạt từ anh ). Anh thể hiện và (có vẻ) cũng muốn nhấn mạnh rằng anh là 1 người hết sức bình thường, 1 cuộc sống bình thường, công việc bình thường, gia đình bình thường, 1 người làm khoa học nhưng không xa rời cuộc sống, rất hay giao lưu (ít nhất là trong giới) và rất yêu gia đình, chú trọng việc giáo dục con cái, cảm giác như anh có 1 sự giáo dục nền tảng rất tốt, rất truyền thống, đúng mực, điềm đạm, hiểu biết.
Trừ 1 vài đoạn khách mời hay quá đà cướp diễn đàn =) với 1 vài câu hỏi mang tính phóng sự đời tư ) thì hôm nay khá ổn về không khí (công quá lớn của MC Hiếu Đinh bảo vệ diễn đàn =)), anh Châu có vẻ cũng có thiện cảm với FYT, chắc thấy bọn này cũng có vẻ sáng sủa, trò chuyện hợp, bông đùa hợp )).
Theo Lê Việt Hà

Đề thi, đáp án IMO 2011 (Olympic Toán học Quốc tế 52)

Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 52 đã điễn ra tại Hà Lan vào nửa cuối tháng 7 vừa rồi. Đoàn Việt Nam chỉ dành được 6 huy chương đồng với tổng số điểm khá thấp và phải xếp thứ 31 chung cuộc. Một trong những nguyên nhân của thất bại lần này là đề thi "lệch tủ" (hôm đi chấm thi gặp X.Hùng, Hùng đã dự đoán rằng năm nay đoàn Việt Nam sẽ "gãy" vì đề thi không trúng tủ).
Dưới đây là đề thi IMO 2011:
3 bài của ngày thứ nhất  IMO 2011
3 bài của ngày thi thứ 2 IMO 2011
Còn đây là đáp án đề thi IMO 2011 của BTC: Download

Friday, August 5, 2011

Tiếp lửa tài năng 5: Nguyễn Minh Quang là người chiến thắng

Tiếp lửa tài năng là chương trình do cựu học sinh phối hợp cùng trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tổ chức, dựa theo format chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV3. Mục đích chính của chương trình là tìm ra học sinh xuất sắc nhất đại diện cho trường THPT chuyên Quốc Học tham gia cuộc thi trí tuệ "Olympia 12" trên Truyền hình Việt Nam.
Qua 4 lần tổ chức, chương trình đã chọn được các thí sinh xuất sắc dự thi Đường lên đỉnh Olympia trên VTV3, trong đó có: Nguyễn Mạnh Tấn (giải 3 Olympia 2008), Hồ Ngọc Hân (giải nhất Olympia 2009), Thái Ngọc Huy (giải nhì Olympia 2011).
Nguyen minh quang quoc hoc hue, olympia 12
Nguyễn Minh Quang, thứ 3 từ trái sang. Ảnh: Facebook
Cuộc thi Tiếp lửa tài năng năm 2011 đã tìm ra thí sinh xuất sắc nhất sau đêm chung kết diễn ra đêm 05/08/2011: Nguyễn Minh Quang (210 điểm), học sinh lớp 12 chuyên Tin - THPT chuyên Quốc học Huế.
Nguyễn Minh Quang sẽ đại diện cho THPT Quốc Học Huế dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12. Hy vọng Quang sẽ lập lại được kỳ tích của Hồ Ngọc Hân năm 2009.

Monday, August 1, 2011

LATEX trong Blogspot với MathJax

Trước đây, chúng tôi có giới thiệu cách viết công thức Toán trên Blogspot. Tuy nhiên cách đó chưa thật tối ưu bởi vì về bản chất nó lợi dụng wordpress để hiển thị công thức Toán và đoạn code mà bạn phải viết cho một công thức Toán là quá dài dòng.
Hôm nay, đọc một comment của bạn PKL mới biết có một cách hay hơn cách trên, đó là sử dụng MathJax script.
Latex trong blogspot, mathjax
MathJax là một mã nguồn JavaScript mở, dùng để hiển thị các công thức Toán trên các trình duyệt hiện đại. Dự án MathJax được khởi động từ năm 2009 và được quản lý bởi Design Science. Dự án này được tài trợ bởi American Mathematical Society, Design Science, Society for Industrial and Applied Mathematics, Elsevier, và Project Euclid.

MathJax hỗ trợ cho nhiều web platform như Wordpress, MediaWiki, Drupal,... Bài viết này sẽ trình bày cách thể hiện công thức Toán trong blogspot với MathJax qua thao tác vài thao tác đơn giản.

Bạn copy đoạn code dưới đây và paste vào trước thẻ </head> trong template của bạn rồi lưu lại:

<script type="text/javascript" src="http://cdn.mathjax.org/mathjax/latest/MathJax.js">
MathJax.Hub.Config({
extensions: ["tex2jax.js","TeX/AMSmath.js","TeX/AMSsymbols.js"],
jax: ["input/TeX", "output/HTML-CSS"],
tex2jax: {
inlineMath: [ ['$','$'], ["\\(","\\)"] ],
displayMath: [ ['$$','$$'], ["\\[","\\]"] ],
},
"HTML-CSS": { availableFonts: ["TeX"] }
});
</script>

Từ nay, bạn chỉ cần gõ công thức Toán theo cấu trúc $\ LaTex Code $ là xong.

Chúng tôi không sử dụng script này vì ít người viết công thức Toán trên tuyensinhvnn.com. Hơn nữa, script này làm tốc độ tải trang hơi chậm!
Nguồn: Góp nhặt linh tinh