Monday, April 11, 2011

Bắt học trò chép phạt: Một kiểu nhục hình

Bắt chép phạt để răn đe, uốn nắn khi học sinh vi phạm nội quy hoặc không thuộc bài… là hình thức xử phạt đang phổ biến tại nhiều trường học. Thế nhưng, cách giáo dục này có mang tính sư phạm và dù có, liệu còn phù hợp?
Một kiểu nhục hình
Chep phat - mot kieu nhuc hinh
Chép phạt hoàn toàn không phù hợp với phương pháp sư phạm mới. 
Trước đây, tại trường cấp 2 – 3 Đ. (quận Gò Vấp) khi học sinh vi phạm như nói chuyện riêng, không thuộc bài, đi trễ… lập tức giáo viên hoặc cán bộ quản nhiệm sẽ quy ra roi. Thế nhưng, khi hình thức xử phạt này bị lên án, trường đã linh động đưa ra hình thức xử phạt mới để “uốn nắn” học sinh: chép phạt. N.M., một học sinh trường này cho biết: “Nếu nói chuyện hay không thuộc bài, lần đầu sẽ bị nhắc nhở nhưng tái phạm sẽ bị giáo viên phạt bằng cách bắt chép nguyên cuốn Hạt giống tâm hồn. Sau đó, tụi em phải viết bài cảm nghĩ, kiểm điểm lại lỗi vi phạm”. Nhiều trường cũng áp dụng hình thức xử phạt này, đặc biệt là khi học sinh không thuộc bài hoặc không làm bài. Theo đó, học sinh sẽ phải chép lại nguyên văn bài không thuộc nhiều lần, nếu không đạt “chỉ tiêu” theo quy định của giáo viên, số lần chép phạt cứ thế tăng lên. N.T., học sinh lớp 11 trường P. (quận 6) cho biết: “Cô giáo chủ nhiệm quy định, không học thuộc bài bắt chép phạt từ 50 – 100 lần kể cả những môn dài dằng dặc như văn, sử. Có khi mấy bạn lớp em còn bị chép phạt mấy trăm lần!”
Hình thức chép phạt thường là “cam kết” giữa thầy và trò, vì vậy nếu vi phạm học sinh thường phải tuân thủ quy định, dù tuân thủ với thái độ miễn cưỡng. Một học sinh trường THPT M. (quận 3) kể: “Làm bài kiểm tra dưới điểm trung bình là tụi em bị chép phạt. Các môn toán, hoá, lý mà không thuộc công thức tụi em cũng phải bò ra chép phạt. Nếu không chấp hành, hình phạt có thể tăng dần từ vài chục lên đến vài trăm lần. Tụi em cũng phải miễn cưỡng làm theo chứ thú thật chép cả trăm lần công thức vẫn hoàn quên”.
Không diễn ra ở khối THPT mà ở cấp 1, cấp 2, việc bắt học sinh chép phạt cũng diễn ra phổ biến. Một giáo viên trường tiểu học N. (quận Tân Bình) cho biết, hình thức chép phạt cũng hay được thầy cô giáo trong trường áp dụng, tuy nhiên “chỉ mang tính chất răn đe”. Theo giáo viên này, nếu học sinh không làm bài tập về nhà hoặc không thuộc từ vựng tiếng Anh thì phải chép phạt mười lần những phần chưa làm hoặc chưa thuộc. Tuy nhiên “bắt chép phạt cả trăm lần thì trường không áp dụng”, vị này khẳng định. Trò chuyện với chúng tôi trước cổng trường N., một phụ huynh cho hay: “Có nhiều tối thấy cháu hí hoáy viết đi viết lại nhiều lần. Hỏi thì cháu cho biết do không thuộc bài nên bị cô bắt chép phạt mười lần. Cũng thấy thương cháu nhưng lại nghĩ cô đang rèn luyện tính kỷ luật cho cháu nên tôi và chồng không can thiệp”. Tuy nhiên, vị phụ huynh này cũng cho rằng: “Quá lạm dụng thì hình thức này mang lại tác dụng ngược”.
Chưa cấm nhưng nên bỏ!
“Sở không đồng tình với việc sử dụng mọi biện pháp giáo dục học sinh bằng cách xử phạt. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó không cho phép giáo viên áp dụng các hình thức trừng phạt học sinh. Do đó, việc xử phạt, nếu xét trong những tình huống cụ thể mà vượt quá khuôn khổ giáo dục là giáo viên đó vi phạm quy chế”.
ÔNG LÂM AN, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC, SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh, giáo viên trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến kể, trong quá trình dạy học, bà chứng kiến nhiều trường hợp thầy cô dùng biện pháp bắt học sinh chép phạt: “Có những lúc chép phạt cũng có tác dụng, nhưng đa số thì không”. Bà Thanh phân tích, trong nhiều tình huống bị phạt phải chép bài nhiều lần, đặc biệt với những môn phải học thuộc lòng như sử, địa… nhiều học sinh bị “dị ứng” dẫn tới phản ứng tiêu cực như không chấp hành, bỏ giờ học, thậm chí buông xuôi “tới đâu thì tới” và không nhìn mặt thầy cô bộ môn.
Theo bà Bùi Thị Liên, giáo viên văn trường THCS Thanh Đa, trước kia một số thầy cô trong trường cũng hay sử dụng hình thức chép phạt, nhưng gần đây trong các buổi họp giao ban chuyên môn, vấn đề này được đưa ra thảo luận, và “nhà trường không cấm tuyệt đối việc giáo viên sử dụng hình thức chép phạt, song cũng kêu gọi các thầy cô không nên sử dụng hình thức này trong việc giáo dục học sinh”. Về quan điểm cá nhân, bà Liên cho rằng việc áp dụng chép phạt dễ làm tổn thương các em, làm căng thẳng mối quan hệ cô – trò. Hình thức này không phù hợp với các phương pháp giáo dục mới. Theo bà Liên: “Nên tạo điều kiện để cho học sinh sửa sai thay bằng hình thức chép phạt”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Ân, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) phát biểu: “Việc xử phạt học sinh bằng hình thức chép phạt là không khoa học, nếu không nói là phản sư phạm”. Cũng như bà Ân, có rất nhiều biện pháp giáo dục học sinh, nếu không được thì còn hậu thuẫn là ban giám hiệu và hội phụ huynh… “Ngành giáo dục cũng đã có nhiều khoá tập huấn thường xuyên cho giáo viên về ứng xử tình huống sư phạm và phương pháp giảng dạy tích cực. Trong mọi trường hợp, giáo viên không nên nóng vội”, bà Ân nói.
Theo TRỌNG VĂN – NHƯ THUẦN (sgtt.vn)
Ý kiến của một bạn đọc của báo SGTT:
Trước tiên tôi xin gửi lời xin lỗi tới tác giả bài báo vì thực sự tôi không đồng tình 100% với nội dung bài báo trên. Bây giờ tôi thấy mọi người tập trung quy kết giáo viên nhiều quá, tôi không phải là giáo viên, nhưng đứng ở cương vị đã từng là học trò, qua tiếp xúc với nhiều em trong nhiều trường hợp, tôi thấy học sinh bây giờ càng ngày càng mất đi tinh thần tôn sư trọng đạo. Chuyện chép phạt với những học sinh cùng trang lứa với tôi là bình thường, nhưng sao không nói đến chuyện học sinh đến lớp không chịu học bài mà khi phải chép phạt lại kêu. Đúng là chép phạt cả cuốn Hạt giống tâm hồn là hơi quá và không phù hợp, nhưng công thức không thuộc, chép phạt là bình thường, hai chuyện này nên chăng tách biệt riêng ra.
Khi còn đi học, tôi nghĩ đã đến lớp thì phải phải có trách nhiệm thuộc bài, không thuộc bài là quá sai rồi, lỗi do mình nhận điểm kém hay bị phạt cũng không oan, với mức phạt chép lại công thức có đến 50-100 lần cũng chả có gì quá sức cả. Tôi nghĩ có lẽ không nên để học sinh tiếp cận với những suy nghĩ kiểu như thế này vì ở lứa tuổi các em chưa thể nhận thức được toàn bộ sự việc, nhiều em sẽ dựa vào những bài báo như thế này để đánh giá sai và cư xử không đúng mực với thầy cô giáo. Quan điểm của cá nhân tôi có thể đúng, có thể sai, nhưng hy vọng sẽ góp thêm ý kiến cho cái nhìn tổng thể của toàn xã hội.

No comments:

Post a Comment