Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Vào biên chế tốn hàng chục triệu đồng?
Lê Thị Hương, tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn nhưng hơn 3 năm nay cô vẫn phải kiên trì với công việc dạy hợp đồng. Với số tiền thu nhập hàng tháng ít hỏi, Hương đã nhiều lần có ý định bỏ nghề nhưng với niềm tin một lúc nào đó cơ hội sẽ đến với bản thân nên cô vẫn nhẫn nại gắn với nghề giáo.
Chia sẻ với chúng tôi Hương cho biết: “Mặc dù mình biết ở địa phương vẫn còn thiếu giáo viên dạy văn ở cấp THPT nhưng thú thật các suất ấy là dành cho những gia đình có “điều kiện”. Bản thân mình cứ nghĩ, tốt nghiệp ra trường có tấm bằng khá giỏi thì chẳng mấy khó khăn khi xin việc, nhưng nghĩ lại mới thấy điều đó là sai lầm. Nếu biết được đến với nghề tiệu cực thế này thì mình chẳng lựa chọn con đường Sư phạm”.
Khác với Hương, Lê Thị An quê ở Bắc Giang với ước mơ trở thành giáo viên tiểu học nên đã đầu đơn vào Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh. Đến tháng 7 này An mới bảo vệ tốt nghiệp nhưng nhiều tháng qua ngoài việc bận rộn trong học tập cô còn phải lặn lội đến với các “cửa” để tìm kiếm một suất vào biên chế.
Qua nhiều lần “quà cáp” nhưng việc vẫn chưa thành An chia sẻ: “Mấy đứa bạn em nó bỏ ngót gần 80 triệu đồng mới kiếm được một suất, còn gia đình em chẳng khá giả gì nên chắc ra trường cố gắng xin đi dạy hợp đồng chứ không thể chạy đua theo được”.
Nhiều người sẽ đặt ra vấn đề, nếu Hương và An tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa chắc sẽ chẳng khó khăn gì để được vào biên chế. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chúng ta đi các tỉnh vùng cao sẽ còn cảm nhận được nhiều câu chuyện bi đát hơn.
Thầy L.T.T quê ở Thanh Hóa, đang công tác tại một trường THCS của huyện Mường Nhé, Điện Biên ngậm ngùi tâm sự: “Ra trường mình muốn được công tác, cống hiến cho địa phương lắm. Mặc dù mình sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Lát (một huyện vùng cao của Thanh Hóa) nhưng chờ đợt suốt 4 năm ròng chẳng có cơ sở tiếp nhận vào biên chế nên đành phải lựa chọn đến với nơi thực sự cần tới mình”. Nghịch lý của vấn đề này là ở chỗ, mặc dù Thanh Hóa vẫn là địa phương còn thiếu nhiều giáo viên (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa) nhưng rồi chính con em địa phương họ tốt nghiệp ra trường lại không được trọng dụng. Không chỉ riêng Thanh Hóa mà nhiều địa phương trong cả nước cũng lâm vào tình trạng tương tự, có phải chăng đã có một rào cản “vô hình” khi tân cử nhân Sư phạm muốn đến với nghề?
Trả lời vấn đề này, một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh B. giải thích: “ Đối với địa phương mình thì giáo viên bậc THPT không thiếu. Chỉ có bậc mầm non, tiểu học mà thôi. Tuy nhiên ở cấp học này thì lại do UBND Huyện và Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm chính. Theo tôi có thể do cách làm của các đơn vị này chưa đồng bộ nên dẫn đến tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu”.
Mặc dù đây là thực trạng mà ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở “bề nổi” này. Một lãnh đạo Phòng Giáo dục của một huyện vùng cao không ngần ngại tiết lộ: “Phải thẳng thắn nhìn nhận huyện anh còn thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là mầm non và tiểu học. Nếu “mở cửa” chắc chắn không thiếu nguồn tuyển. Nhưng khổ nổi bọn anh vẫn phải giữ suất để dành cho các “sếp”, nếu tuyển đủ hết rồi thì mai mốt “sếp” nhờ anh thì biết sắp xếp thế nào?”.
"Toan tính" để đến với nghề
Để được vào biên chế giáo viên, giờ đây không chỉ vùng thuận lợi mà ngay cả vùng khó khăn cũng có những “mức sàn” quy định. Chính vì thế không ít tân cử nhân Sư phạm khi quyết định lên vùng cao giảng dạy đều có những toan tính nhất định.
Hàng năm các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu… giải quyết cho hàng chục trường hợp giáo viên xin chuyển đơn vị công tác. Với cách thức là cố gắng vào biên chế ở vùng cao trước sau đó tìm mọi cách để “chạy” về xuôi đang là một trong những biện pháp hữu hiệu mà các tân giáo viên tính tới. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Điện Biên từng chia sẻ: “Không thể giữ chân những giáo viên này bởi thời gian công tác của họ ở vùng cao đã đủ (nữ công tác 3 năm, nam công tác 5 năm - PV). Khi họ có nguyện vọng xin chuyển thì mình cũng phải đồng ý chấp nhận mà thôi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có khá nhiều tân cử nhân Sư phạm tìm đến cánh “cửa hẹp” đó là lên vùng cao công tác với những toan tính nhất định. Không chỉ có tham vọng được vào biên chế mà họ còn nỗ lực đến một cái đích cao hơn đó là kiếm tiền để “lo” về những vùng thuận lợi hơn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên khi giáo viên lên công tác vùng cao được hưởng rất nhiều chính sách. Chính vì thế thu nhập của giáo viên vùng cao, vùng khó khăn thường cao hơn gấp nhiều lần so với dưới xuôi.
Thầy L.T.H, hiện đang công tác tại huyện Mường Nhé, Điện Biên bộc bạch: “Không hẳn lúc nào những toan tính này cũng trở thành hiện thực. Nhiều tân giáo viên khi đặt chân đến những vùng khó khăn thường nhụt chí và quyết định “rút lui”. Chẳng hạn như vừa rồi có hai tân giáo viên quê ở Thanh Hóa quyết tâm lên trên này, sau một thời gian thử việc được chấp nhận vào biên chế nhưng đến ngày nhận công tác thì mất hút chẳng thấy đâu”.
Gian nan vất vả thi tuyển đầu vào, sau đó lại nỗ lực học tập để lấy được tấm bằng nhưng rồi các tân cử nhân Sư phạm không dễ gì tìm được một nơi công tác như mong muốn. Cái giá để đến được với nghề quá lớn nên luôn tạo cho họ những toan tính trong đầu. Bên cạnh đó, tính minh bạch trong tuyển dụng giáo viên dường như chưa được thiết lập nên giờ đây chuyện giới trẻ thờ ơ với ngành Sư phạm không phải là điều khó hiểu.
Theo Dân Trí
No comments:
Post a Comment