Friday, September 30, 2011

Vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long - một cách làm phản văn hóa

tuyensinhvnn xin giới thiệu một góc nhìn khác của cựu nhà báo Trương Duy Nhất về cuộc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long thành "kì quan mới". Bài viết đăng trên truongduynhat.vn:
Vịnh Hạ Long - kì quan mới?

Tôi tâm đắc với bài Vài điều suy nghĩ về cuộc “Bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới” của tác giả Hải Sơn đăng trên Viet-studies.info. Cách bầu chọn chẳng những “không trung thực, không khách quan, như... đang “gian lận” trong cuộc chơi và nặng nề “bệnh háo danh”, mà có gì đó như là một cách làm phản văn hóa.

Có nhiều cách để quảng bá, không nhất thiết cứ phải chui vào các “vườn” di sản với kỳ quan ấy mới hút được sự quan tâm của thiên hạ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái hương tự nhiên mới đáng là di sản, chứ không phải do ta cố sơn phết vào.

Hạ Long đã là di sản, cố khoác thêm cái “kỳ quan mới” cũng không làm nó đẹp hơn, kỳ vĩ hơn. Hãy làm cho Hạ Long đẹp chứ không phải hãy bầu chọn cho nó, mà ngay khi bấm nút bầu xong lại quay ra thản nhiên vứt rác và... tè xuống biển.

Nhân chuyện “kỳ quan mới” của tổ chức New Open World, ngẫm lại các di sản đã được UNESCO công nhận trong thời gian qua không thể không đặt câu hỏi: Liệu có cần nhiều di sản đến thế, tiêu chí cho di sản liệu có quá dễ dãi và mục tiêu thật sự của UNESCO trong việc di sản hóa tràn lan như vậy là gì?

Tôi sinh ra và lớn lên tại quê Gióng, nhưng quả thật đến giờ vẫn không hiểu sao cái gọi là “hội Gióng” kia lại thành di sản, mà là di sản thế giới mới khiếp! Cũng như tôi không hiểu vì sao, di sản gì ở cái “nhã nhạc cung đình Huế” mà thật sự theo tôi chỉ là một thứ nhạc cúng.

Cái gì nhiều quá cũng mất thiêng. Ban đầu khi nghe Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn... thành di sản, tôi cũng thoáng tự hào, mừng vui hồ hởi với cái vui của một... công dân di sản. Nhưng rồi sau này thấy nhiều thứ thành di sản quá, đâm mất hẳn cái cảm hứng háo hức hồ hởi.

Có thể, những suy ngẫm này của tôi sẽ nhận đòn từ các nhà văn hóa. Tuy nhiên, phải nói thật rằng chúng ta đang sa vào quá nhiều những danh hiệu hão, thậm chí cố công đoạt lấy danh hiệu bằng cả các phương cách rất phản văn hóa.

Cả chúng ta, và UNESCO nữa, nên xem ngẫm lại một cách tỉnh táo hơn về những “chiến dịch” di sản vừa rồi. Có thể rồi mỗi năm, chúng ta sẽ còn trống giong cờ mở đón nhận thêm nhiều di sản nữa, nhưng tôi không thích, không chờ mong, thậm chí sợ khi nay mai đất nước này bỗng chốc ra đường gặp di sản!

Trương Duy Nhất

Xem thêm: Có nên bình chọn cho Vịnh Hạ Long nữa không? / Tại sao không nên bình chọn cho Vịnh Hạ Long?

No comments:

Post a Comment